Wednesday, January 20, 2016

Những Người Ở Lại

Người ta thường nói: “Chúng ta đi mang theo quê hương!” Nhưng quê hương là gì? Phải chăng đó là ngôn ngữ, thói quen trong cuộc sống, câu hò, giọng hát và miếng ăn, thức uống hàng ngày. Nhưng quê hương đâu phải chỉ có vậy, và như vậy là hết!
 
Bước chân lên bờ mà người ta gọi đó là mảnh đất tự do, bước chân xuống đất một phi trường nào đó mà người ta gọi là đất hứa, chẳng mấy chốc mà chúng ta đã quên hết. Mang theo quê hương nhưng chúng ta đã bỏ lại rất nhiều thứ, như người chăn chiên bỏ bầy chiên lại cho lũ sói rừng. Chúng ta bỏ lại người sống lẫn người chết, người chết đã đành, người sống thì cũng như người đã chết. Người sống hôm nay là những anh em thương binh quặt què của chúng ta, những người trong một đất nước tối đen mà mắt mình thì không còn trông thấy ánh sáng, sống đời sống lây lất trong cái thảm cảnh lê lết của những ngày tháng vô vọng còn lại.
 
Một người tù binh còn lành lặn, còn lại sau chiến tranh, đã mất đơn vị, không còn hàng ngũ, lạc bạn bè trên trận địa, sống giữa thù hận, kỳ thị, sống đã là một chuyện đau khổ. Chúng ta nghĩ thế nào một người thất trận, mù hai mắt, cụt hai chân, không còn hai tay, giữa rừng người thắng trận kiêu ngạo mà vô nhân tính, mà không thể chết.
 
Không ít người chỉ còn biết sống trong tình thương của người qua đường không quen biết, mà người qua đường cũng không cần biết con người khốn khổ đó là ai, khi chúng ta còn ngồi trong ghế nhà trường, sống hạnh phúc trong một thành phố chan hòa ánh sáng, nơi quán cà phê hay những đêm vũ trường, bên bữa cơm gia đình ấm cúng khi họ còn ba ngày lương khô, hai cấp số đạn, băng rừng lội suối.
Chúng ta có gần 100 vị tướng lãnh, những người mà “cấp bậc là xương máu của thuộc cấp,”(*) được may mắn ra đi trước khi Sài Gòn thất thủ, bỏ lại gần một triệu quân tinh nhuệ, hàng chục nghìn thương binh bị đuổi ra khỏi quân y viện, đã có ai có cái ý nghĩ kêu gọi đồng bào ở hải ngoại nghĩ ra chuyện “lon gạo thương binh.” Phải đợi đến 20 năm sau, mới có những người bạn đồng ngũ, mới ra khỏi nhà tù tập trung, thoát nạn, quần tụ nơi đây, ngồi lại với nhau, nghĩ cách kiếm đồng tiền cho bạn bè. Cho đến bây giờ, mỗi năm, cả thế giới, nhiều lắm là chúng ta mới có khoảng $2 triệu cho thương binh, trong con số $13 tỷ gửi về Việt Nam, mà đã có người kêu la bài bác, hô hào thương binh ngưng nhận tiền cứu trợ, vì đồng tiền gửi về này, giúp cho chế độ Cộng Sản vững mạnh và sống còn!
 
Có người còn dạy khôn các cơ quan cứu trợ thương binh ngưng gửi tiền giúp cho các thương binh, để dành năng lực ủng hộ cho một cuộc vận động không tưởng. Cũng có người dối trá với chính mình, khi khai tử đồng đội, cho rằng việc cứu trợ thương binh là một việc làm “dối trá,” vì bây giờ, sau 40 năm, làm gì còn có thương binh nữa!
 
Về việc đối xử với thương binh thua trận của chính phủ Cộng Sản hiện nay, thì chính phóng viên trong nước, Bùi Minh Quốc cũng đã công nhận: “Chính sách của chính quyền Việt Nam lâu nay từ sau 1975 tới nay rất tệ. Tức là họ phân biệt đối xử và họ không quan tâm tới cái quyền sống của số anh chị em thương phế binh của phía VNCH này.”
 
Việc cởi mở “có giới hạn” như những diễn tiến liên quan đến thương binh VNCH tại chùa Liên Trì hay Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn trong thời gian gần đây, và chưa lúc nào danh xưng Việt Nam Cộng Hòa được nói đến nhiều như hôm qua, hôm nay sau 40 năm bị chôn vùi và lăng mạ. Nhưng những điều này cũng không thay đổi được cuộc sống đen tối của những người đã chịu khổ 40 năm qua, nhất là những anh em ở xa vùng phố thị. Điều đáng buồn hơn là ngoài các chức sắc tôn giáo, một triệu người miền Nam trong 3 triệu người Sài Gòn hôm nay, vì đang chạy theo “cơm áo gạo tiền,” hay ký ức đã xói mòn, như người mất trí, chẳng còn ai lo âu, đoái hoài đến những người anh em năm cũ.
 
Trước khi nói đến những gì mà những người có lòng ở hải ngoại đang cố gắng tìm con đường sống cho các thương binh, công việc cấp bách hiện nay là tăng cường sự cứu trợ, vì con số thương binh chết càng ngày càng nhiều, vì tuổi tác, bệnh tật và đói nghèo. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, anh em thương binh cần chén cơm, viên thuốc hơn là những lời hứa hẹn hão huyền.
 
Chiến dịch “Một Gia đình-Một Thương Binh” đã được Hội HO Cứu Trợ TPB phát động cách đây vài ba năm, tuy thấy đơn giản, nhưng thật khó khăn. Người có hảo tâm dễ dàng gửi đến hội một số tiền, nhưng thấy phiền phức khi phải có trách nhiệm, cưu mang lấy một gia đình, thường trực vài ba năm, lo lắng cho họ. Đồng tiền bảo trợ giờ đây ấm áp thêm những lời thăm hỏi, thấm đượm tình người.
 
Chiến dịch này không phải là để trút gánh nặng cho quần chúng, để các hội đoàn thiện nguyện phủi tay, đóng cửa, mà chỉ là lời kêu gọi sự quan tâm của chúng ta đối với từng hoàn cảnh riêng của mỗi một người, mà người cho kẻ nhận gặp nhau trong sự ân cần, gần gũi.
 
Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn đầy tình người, lẽ tất nhiên là khó khăn hơn khi chúng ta gửi đến các hội thiện nguyện một số tiền, mà thường là chúng ta chẳng hề quan tâm đến người nhận là ai.
 
Chỉ tính riêng những gia đình những người cựu quân nhân trong tập thể cựu tù nhân chính trị, hay những quân nhân đã vượt thoát ra đi vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, là những người đã từng chiến đấu bên cạnh anh em thương binh ngày nay, đôi khi còn là cấp chỉ huy, con số này lên đến hằng trăm nghìn. Một trăm nghìn gia đình bảo trợ cho 15,000 hồ sơ thương binh, không phải là chuyện khó khăn không làm được, nhưng cũng phải nói đây là chuyện khó khăn.

Phần lớn, có những chuyện chúng ta hay quên phải có người khác nhắc nhở, phần lớn chúng ta “có lòng” nhưng trong cuộc sống lại thường “vô tâm,” chúng ta đi nhưng thường ít khi quay đầu ngó lại.
Có những người chết cho chúng ta được sống, có những người thương tật cho chúng ta lành lặn, có những người đành ở lại để chúng ta có cơ hội ra đi.

Tạp ghi Huy Phương

Tuesday, January 19, 2016

Lại tin thất thiệt về việc định cư Thương Phế Binh VNCH!


(January 19, 2016) Trong khoảng hai tuần qua, có một bản tin được phổ biến rộng rãi ở trên các diễn đàn công luận và được hàng chục ngàn người theo dõi cũng như chia xẻ với bạn bè hoặc người thân. Bản tin được lấy từ Facebook của một người tên là Vũ Hoàng có tiêu đề là:



Tôi không rõ ông Vũ Hoàng là tác giả bài viết hay được trích dẫn nguyên văn từ bản tin mà ông để là “Theo Washington Post”? Dù biết đây có thể là nhã ý của người chủ trang Facebook muốn chia xẻ “tin vui”, nhưng rất tiếc đây lại là một bản tin không chính xác và vô cùng nguy hiểm, vì nó sẽ tạo ra những kỳ vọng hão huyền đồng thời vô tình làm cho những kẻ gian có thể dựa vào đó để trục lợi hoặc làm tiền người nhẹ dạ.

Điều không chính xác thứ nhất, là bởi vì bản tin nói rằng “Nghị quyết SJR 5 được Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua, còn phải trình chính quyền liên bang và Tổng thống Barak Obama phê chuẩn…)”.  Tôi xin xác quyết rằng “nghị quyết SJR5” CHƯA HỀ được hạ hay thượng viện Hoa Kỳ đem ra thảo luận chứ đừng nói là được “thông qua”, vì thế không có việc đợi “trình chính quyền liên bang” hay chờ “tổng thống Obama phê chuẩn” ban hành nghị quyết như bài viết! Cũng nên nói thêm ở đây rằng SJR5 chỉ là một nghị quyết của lưỡng viện quốc hội tiểu bang California do bà TNS Janet Nguyễn đệ trình để “yêu cầu chính phủ HK cho phép định cư các TPB VNCH” mà thôi. Và trong cơ cấu tổ chức chính quyền ở nước Mỹ, sẽ không bao giờ có việc tổng thống HK “phê chuẩn” hoặc “ký ban hành” một nghị quyết tiểu bang.

Kế tiếp trong bản tin còn nói rằng “theo Janet Nguyễn, hiện nay (chính phủ) Hoa Kỳ đang có danh sách khoảng 20 ngàn TPB VNCH”.  Tôi xin khẳng định rằng con số “20 ngàn TPB VNCH” mà TNS Janet Nguyễn thường đề cập đến trong cuộc vận động này là danh sách các Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH gởi đến hội HO Cứu Trợ TPB & QP VNCH (do bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn làm hội trưởng) để xin được trợ cấp hàng năm. Hội HO Cứu Trợ TPB & QP VNCH chưa hề phổ biến hoặc trao cho ai (kể cả bà Janet Nguyễn) danh sách nói trên, vì thế nói rằng “hiện nay (chính phủ) Hoa Kỳ đang có danh sách khoảng 20 ngàn TPB VNCH” là một điều hoàn toàn thất thiệt!

Ngoài ra không cần phải truy cập thì ai cũng có thể hiểu được rằng Washington Post là một tờ nhật báo lớn và đứng đắn ở Hoa Kỳ, không bao giờ họ đưa ra một bản tin thiếu chính xác và vô trách nhiệm như vậy cả!

Một trong những điều “nguy hiểm” nữa là ở phần cuối bản tin, ông Vũ Hoàng đã tự động trả lời các câu hỏi của độc giả liên quan đến tin tức cùng điều kiện để được cứu xét đơn xin định cư theo diện TPB của nghị quyết SRJ5! Xin mạn phép chia xẻ cùng ông Vũ Hoàng rằng, luật lệ Hoa Kỳ chỉ cho phép các luật sư có bằng hành nghề, hoặc các vị cố vấn di trú được Hội Đồng Kháng Cáo Di Trú thuộc Bộ Tư Pháp HK chuẩn thuận (BIA Accredited) thì mới có quyền cố vấn luật pháp liên quan đến vấn đề nhập cư. Tôi không rõ ông Vũ Hoàng có thuộc một trong hai thành phần nói trên hay không? Tuy nhiên dù luật sư hay cố vấn di trú chuẩn thuận cũng KHÔNG ĐƯỢC PHÉP TRẢ LỜI những câu hỏi liên quan đến bất cứ đạo luật nào khi mà nó CHƯA ĐƯỢC BAN HÀNH cũng như CHƯA ĐƯỢC SOẠN THẢO ĐIỀU LỆ.     

Sở dĩ mà tôi phải lên tiếng vì đã có rất nhiều người vào đọc bản tin về “nghị quyết SRJ5, tái định cư TPB VNCH” trong trang Facebook của ông Vũ Hoàng, nếu tôi không lầm thì con số đã lên đến hơn 36 ngàn người, và chính họ đã chuyển tin cũng như email đến cho tôi (qua vai trò cố vấn định cư) để yêu cầu xác nhận về nguồn tin này.  Rất tiếc là vì tôi không có trang Facebook cá nhân cho nên không thể liên lạc được với ông Vũ Hoàng. Hy vọng ông đọc được những lời nhận định trên của tôi qua bài viết này và mong có cơ hội được trao đổi cùng tìm hiểu thêm tin tức mà ông đã phổ biến.

Nam Lộc

Thursday, January 14, 2016

Tường trình và nhận định về nỗ lực định cư “Thương Phế Binh VNCH” tại Hoa Kỳ hiện nay.

 Trong những tuần qua, kể từ khi lá thư của 5 vị dân biểu liên bang Hoa Kỳ đề ngày 17 tháng 12, 2015 gởi ngoại trưởng John Kerry để yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ tái cứu xét và “gia hạn cũng như mở rộng” chương trình định cư “HO” hầu cho phép các Thương Phế Binh VNCH (TPB) nhập cảnh HK theo diện tỵ nạn được phổ biến thì chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của quý vị khán thính và độc giả của đài truyền hình SBTN, Radio Bolsa, cơ quan truyền thông CaliToday, hội HO Cứu Trợ TPB&QP VNCH, thậm chí ngay cả trên website của Trung Tâm Asia cùng email cá nhân của tôi liên quan đến đề tài nói trên. Hầu hết đều tập trung vào 4 câu hỏi dưới đây:

1. Nỗ lực vận động của các vị dân cử bao gồm toàn bộ toàn bộ TPB VNCH hay chỉ tập trung vào thành phần “Sĩ Quan” mà thôi?
2. Thành phần “Sĩ Quan” được đề nghị cho phép định cư bao gồm tất cả mọi sĩ quan hay phải là “Sĩ Quan TPB” mới hội đủ điều kiện?
3. Trong lá thư của quý vị dân cử có đề cập đến danh sách “500 Sĩ Quan TPB VNCH” do Hội HO Cứu Trợ TPB&QP VNCH cung cấp! Vậy ai là người thành lập danh sách này và dựa theo tiêu chuẩn nào?
4. Lá thư của các vị dân cử liên bang Hoa Kỳ gởi ngoại trưởng John Kerry có liên hệ gì đến đề nghị định cư “toàn bộ TPB VNCH” của thượng nghị sĩ tiểu bang California Janet Nguyễn hay không?  

Để rộng đường dư luận đồng thời giúp cho quý vị TPB ở quê nhà có một cái nhìn chính xác hơn, hầu tránh sự hiểu lầm hay bị lạm dụng, chúng tôi xin trình bầy lại một cách trung thực và rõ ràng toàn bộ về nỗ lực cùng tiến trình vận động định cư TPB VNCH sau đây, dựa vào những dữ kiện cùng tài liệu đã được phổ biến. Mọi tổ chức, hội đoàn hay cá nhân mà chúng tôi đề cập đến trong bài viết này đều có quyền lên tiếng hoặc điều chỉnh các tin tức do chúng tôi trình bầy qua bài viết này.

I. Liên tục trong tuần lễ đầu của tháng 11, 2014, nhạc sĩ Trúc Hồ cùng LS Đỗ Phủ và một phái đoàn gồm các thành viên trong ban quản trị đài truyền hình SBTN cùng đại diện của Hội HO Cứu Trợ TPB&QP VNCH đã tiếp xúc và gặp gỡ một số quý vị dân cử liên bang HK để vận động “phục hoạt và điều chỉnh” đạo luật “HO” hầu cho phép khoảng 500 “Sĩ Quan TPB VNCH” được định cư ở HK. Cần nói rõ ở đây rằng danh sách “500 sĩ quan TPB” này chỉ là con số quý vị TPB cấp bậc sĩ quan gởi đến Hội HO Cứu Trợ TPB để xin cứu trợ hàng năm mà nhóm SBTN yêu cầu hội cung cấp để làm dữ kiện trong cuộc vận động của họ mà thôi chứ không dựa vào bất cứ “tiêu chuẩn” định cư nào của đề nghị nói trên:     



Phái đoàn SBTN, đại diện hội HO/TPB tiếp xúc dân biểu Alan Lowenthal

II. Hơn 1 tháng sau đó, vào ngày 14 tháng 12, 2014 thì TNS tiểu bang California là bà Janet Nguyễn cùng LS Andrew Đỗ (lúc đó đang vận động tranh cử vào chức vụ ứng cử viên Giám Sát Viện thành phố Garden Grove), đã mở cuộc họp báo tại hội trường nhật báo Việt Báo ở thành phố Westminster để “ủng hộ” đề nghị của nhóm SBTN, đồng thời thông báo kế hoạch vận động định cư “toàn bộ TPB VNCH” bằng cách yêu cầu lưỡng viện quốc hội tiểu bang thông qua nghị quyết SJR5 với mục đích kêu gọi chính phủ HK cho phép định cư các TPB VNCH. Sau đó vào ngày 30 tháng Tư, 2015 thượng viện California đã thông qua nghị quyết nói trên.

TNS tiểu bang Janet Nguyễn cùng LS Andrew Đỗ họp báo

Sau những diễn tiến vừa kể, bẵng đi hơn 6 tháng không có thêm một tin tức gì, thì vào khoảng tháng đầu tháng 6, 2015, chúng tôi lần lượt nhận được nhiều thư từ hoặc emails hay điện thoại gởi về cho các diễn đàn Di Trú & Tỵ Nạn do tôi phụ trách trên các đài truyền thanh, truyền hình tại nhiều thành phố ở HK để hỏi thăm tin tức về sự tiến triển của những đề nghị định cư TPB nói trên. Nhưng đặc biệt và đáng quan tâm nhất là điện thư gởi đến địa chỉ emails của TNS Janet Nguyễn, nhạc sĩ Trúc Hồ cùng bà Hạnh Nhơn (hội trưởng hội HO Cứu Trợ TPB VNCH) và cá nhân tôi, đồng thời lá thư này cũng được phổ biến trên trang Blog của Nha Kỹ Thuật VNCH, cùng các diễn đàn truyền thông khác, báo động về việc có những tổ chức ở Việt Nam đang đứng ra “lập các đơn xin định cư” tại HK theo diện TPB VNCH “với giá hạ” qua nội dung của email dưới đây (nguyên văn):




From: Pham Hoa <hoavanpham@yahoo.com>
To: "pd219@yahoogroups.com" <pd219@yahoogroups.com>; Nhon Nguyen <hanhnhonnguyen@yahoo.com>; Senator Janet Nguyen< janetnguyen@janetnguyen.com>; Janet Nguyen <janet.nguyen@asm.ca.gov>; Janet Nguyen <janet@janetnguyen.com>; Thuc DS LLDB Nguyen< dtttnx1938@yahoo.com>; Loc Nguyen <namlocnguyen@yahoo.com>; Truc Ho Ho <truchoasia@aol.com>; Nha Ky Thuat <nhakythuat@yahoo.com>; Nguyendinhthinh1954 Nguyen <nguyendinhthinh1954@gmail.com>; "chinhngia@aol.com" <chinhngia@aol.com>; Nha Thuat< nhakythuat@yahoogroups.com>; Dieu Quyen Nguyen< dieuquyenlala@yahoo.com>; KQVN Group <kqvn@yahoogroups.com>; "lienkhoasqtb@yahoogroups.com" <lienkhoasqtb@yahoogroups.com>; HzZknzz <10b72@yahoogroups.com>
Sent: Tuesday, June 2, 2015 1:07 AM
Subject: Re: [pd219] Thương Phế Binh VNCH / Được sang Hoa Kỳ 


Quý anh chị thân mến,

Hôm nay chúng tôi nhận điện thoại anh em TPB từ VN đã có những cơ quan "không chính thức" tại VN và đã quảng cáo giúp đở anh em TPB/VNCH thiết lập hồ sơ để được định cư tại Hoa Kỳ với "giá hạ". Nhận thấy việc quảng bá tin tức gần đây về vấn đề định cư TPB/VNCH tại Hoa Kỳ rất quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều cho anh em TPB và gia đình và chúng tôi cũng vừa thành lập xong trang blog những tin tức sẽ được cập nhật thường xuyên qua những tin tức thâu thập.
Xin quý vị có trách nhiệm trong việc xin định cư cho anh em TPB/VNCH biết về "STATUS" tình trạng tiến hành công việc của quý vị và xin trả lời cho chúng tôi biết trong một thời gian sớm nhất để phổ biến đến anh em TPB tại quê nhà
Xin ghi nhớ NHỮNG TIN TỨC CỦA QUÝ VỊ RẤT ẢNH HƯỞNG ĐỜI SỐNG CỦA ANH EM TPB/VNCH
và gia đình tại Việt Nam.
Trân Trọng
Phạm Hòa
Ban Chấp Hành Gia Đình Nha Kỹ Thuật

        
Tin tức trên cũng được nhà văn Văn Quang (một trong số những ngòi bút rất uy tín ở trong nước được giới truyền thông người Việt tại hải ngoại trân trọng và phổ biến rộng rãi các bài viết của ông) tái xác nhận qua một bản tường trình có tựa đề là “Tin quan trọng gửi đến các anh em Thương Phế Binh ở Việt Nam”:
Qua vai trò cố vấn di trú và định cư, tôi đã tìm hiểu cặn kẽ về mọi nguồn tin liên quan đến vấn đề trên tại các cơ quan hành pháp và lập pháp liên bang HK và sau khi biết rằng các đề nghị định cư TPB VNCH cho đến nay vẫn chưa có một tiến triển nào ở phía chính quyền liên bang, do đó tôi đã lên tiếng cảnh báo về các âm mưu lừa đảo trong đó có vấn đề “bán đơn” xin định cư theo diện TPB tại HK:
Tiếp theo các lời cảnh báo của tôi thì ngày 10 tháng Sáu, 2015 văn phòng TNS Janet Nguyễn cũng cho phổ biến trên các cơ quan truyền thông báo chí một thông báo về sự việc trên:
Để tránh những sự hoang mang trong dư luận cũng như để thống nhất tin tức, TNS Janet Nguyễn đã gởi thư mời tôi cùng nhạc sĩ Trúc Hồ đến họp với bà tại văn phòng địa phương nằm trên đường Garden Grove, thành phố Garden Grove. Cuộc họp đã diễn ra vào ngày 1 tháng 10, 2015, và qua đó bà Janet Nguyễn cho chúng tôi biết diễn tiên mới nhất là cả hạ viện tiểu bang California cũng vừa thông qua nghị quyết SJR5 và bà đã gởi bản nghị quyết chung cuộc của lưỡng viện tiểu bang đến cho bà Barbara Boxer, thượng nghị sĩ quốc hội liên bang HK để xin chính phủ HK định cư “toàn bộ TPB VNCH”. Đồng thời hứa rằng sẽ thông báo cho chúng tôi biết các diễn biến mới nhất nếu có.
Vì có một số TPB ở VN không hiểu rõ cơ cấu tổ chức lập pháp ở HK cho nên tôi xin nhấn mạnh ở đây một điểm rất quan trọng là tất cả các quốc hội tiểu bang trên toàn nước Mỹ đều không có thẩm quyền để ban hành hay đề nghị các dự luật quốc gia, mà phải do lưỡng viện quốc hội liên bang mới thực hiện được điều này. Chính vì thế cho nên Nghị Quyết SJR5 chỉ có giá trị như một “lá thư yêu cầu” gởi chính phủ HK để thúc đẩy tiến trình nhân đạo này mà thôi:
Qua những chi tiết trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng hiện nay đang có 2 cuộc vận động, dù cùng một mục tiêu là TPB VNCH, nhưng được chia thành hai nhóm: Một là các “Sĩ Quan TPB” do NS Trúc Hồ cùng đài SBTN vận động, tạm gọi là “đề nghị #1”, và một là “toàn bộ TPB” do TNS Janet Nguyễn cùng ông Andrew Đỗ, giám sát viện thành phố Garden Grove đề nghị, tạm gọi là “đề nghị #2”! (Tuy nhiên kể từ khi đắc cử vào chức vụ vừa kể thì người ta không thấy LS Andrew Đỗ lên tiếng hoặc dính líu gì vào tiến trình vận động định cư TPB VNCH bên cạnh TNS Janet Nguyễn nữa?)
Sau hơn 2 tháng chờ đợi, thì vào ngày 22 tháng 12, 2015, đài Radio Bolsa, là một trong số các cơ quan truyền thông mà tôi phụ trách chương trình Di Trú và Tỵ Nạn đã nhận được lá thư của 5 vị dân biểu liên bang gởi cho ngoại trưởng HK ông John Kerry, yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xem xét đưa 500 sĩ quan thương phế binh VNCH sang định cư tại Mỹ
Qua nội dung lá thư thì chúng ta có thể nói rằng quyết định này dựa vào mục đích của cuộc vận động do nhóm SBTN chủ trương, tức là “đề nghị #1” có nghĩa là chỉ chú trọng đến các thành phần “Sĩ Quan TPB” mà thôi. Theo sự nhận định của tôi thì đây là một bước tiến rất khả quan và là một bước đi đúng hướng của các vị dân cử liên bang HK. Khả quan là vì thành phần dân cử ký tên tham dự gốm cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Đồng thời trong số những vị dân biểu đó có sự hiện diện của ông Christopher Smith (R) và bà Zoe Lofgren (D) là hai vị dân biểu rất quan tâm, ủng hộ và nhất là rất tỏ tường về các chương tỵ nạn VN từ trước đến nay! Việc tôi cho rằng họ đi đúng đường là vì Bộ Ngoại Giao HK là cơ quan có thẩm quyền để “tái mở lại” (re-open) đạo luật “Vietnamese Re-Ed Detainee Resettlement Program” (tên chính thức của đạo luật định cư tù nhân cải tạo mà người Việt thường gọi là chương trình “HO”) đã có sẵn để cho phép hoặc đề nghị vào dự trình định cư của tài khóa (fiscal year) 2016 (hoặc những năm sau đó) một số thành phần sĩ quan TPB VNCH trong tổng số khoảng 70 ngàn người tỵ nạn thuộc nhiều chủng tộc mà chính phủ HK nhận vào Mỹ định cư hàng năm. Quan trọng hơn nữa là ngoại trưởng John Kerry có thể thực hiện được điều này mà KHÔNG CẦN PHẢI CÓ MỘT DỰ LUẬT THÔNG QUA Ở QUỐC HỘI LIÊN BANG. Hình thức này cũng đã được BNG-HK áp dụng để kéo dài chương trình ODP thêm 2 năm (2006-2008) qua diện HR tức  Humanitarian Resettlement Program, và cách đây hơn 10 năm trong cuộc vận động định cư khoảng 2000 người Việt còn lại tại Phi Luật Tân do luật sự Trịnh Hội cùng một số tình nguyện viên thực hiện. Nói một cách khác có thể “by-pass” (qua mặt) các thủ tục lập pháp cầu kỳ từng áp dụng với một số đạo luật định cư người tỵ nạn VN trước kia như “Vietnamese Re-Ed Detainee Resettlement Program”, hoặc “Amerasian Home Coming Act”, tức đạo luật định cư những trẻ em lai Việt Mỹ, hoặc đạo luật “Indochine Parolee”, cho phép cấp thẻ thường trú và công dân HK cho khoảng 40 ngàn người Việt nhập cảnh HK qua diện PIP tức Public Interest Parolee v..v…
         
Một dấu hiệu tích cực khác mà tôi cũng được biết là vào trung tuần tháng 10 vừa qua, NS Trúc Hồ đã cùng cộng đồng người Việt tại Arizona đến thăm viếng TNS John McCain và cam kết sẽ ủng hộ ông trong cuộc tái tranh cử vào chức vụ TNS tiểu bang này trong năm 2016, đồng thời nhắc nhở ông về “đề nghị #1” mà nhóm SBTN đã đệ trình và được ông hứa sẽ hỗ trợ hết lòng. Nếu đúng như vậy thì hy vọng định cư các sĩ quan TPB VNCH còn cao hơn cả bất cứ một nỗ lực nào, bởi vì ông chỉ cần đưa ra một “tu chính án” (amendment) cho đạo luật “Re-Ed” tức “HO” như ông đã thực hiện và thành công trước đây, đó là “McCain Amendment” (PL107-185), ban hành ngày 30 tháng 5, 2002 cho phép những người con độc thân trên 21 tuổi của quý vị cựu tù nhân chính trị được phép định cư cùng với cha mẹ của mình.
Tuy nhiên không chỉ TNS McCain mà bất cứ một vị dân biểu hoặc thượng nghị sĩ liên bang nào cũng có thể đưa ra đề nghị “tu chính” hoặc gia hạn chương trình “Re-Ed” tức “HO” nói trên, bởi vì đạo luật này ĐÃ CÓ SẴN, mà nguyên tắc chính vẫn phải là “Sĩ Quan VNCH” và bị giam giữ trên 3 năm. Chỉ khác một điều là các “Sĩ Quan TPB” vì là phế nhân nên không bị bắt đi “cải tạo” (re-education), nhà cầm quyền Cộng Sản nghĩ rằng có những biện pháp để kiểm soát được họ. Ngoài ra vì là những cựu quân nhân bị tàn tật cho nên họ không có phương tiện, hoàn cảnh hay cơ hội vượt biên, vượt biển như những người cơ thể lành lặn và đó chính là sự thiệt thòi cùng những lý do thuyết phục việc “mở rộng” diện HO hầu tạo sự công bằng cho các thành phần nói trên. Điều này có thể gián tiếp trả lời rằng điều luật này nếu được chấp thuận hoặc áp dụng thì sẽ KHÔNG bao gồm tất cả mọi sĩ quan mà phải là “Sĩ Quan TPB” mới hội đủ điều kiện!
Sau cùng qua phần trả lời cuộc phỏng vấn dành cho đài RFA của dân biểu Alan Lowenthal, đại diện cho các dân biểu đồng ký tên trong bức thư gởi Bộ Ngoại Giao HK như Ed Royce, Christ Smith, Zoe Lofgren và Gerald Connolly, ông đã tái xác nhận rằng nỗ lực của họ hiện tại chỉ tập trung vào “đề nghị #1” của nhóm SBTN đệ trình tức “Sĩ Quan TPB VNCH” mà thôi. Và tương tự như phần nhận định phía trên của chúng tôi, ông cũng đã nhấn mạnh rẳng (nguyên văn): “đây là việc làm hợp lý. Chúng tôi bây giờ đã có sẵn họ tên của những người này, chúng tôi có số lượng giới hạn (500). Chúng tôi không giới thiệu một dự luật mới nên chúng tôi có nhiều hy vọng. Chúng tôi sẽ bắt đầu thảo luận với Bộ Ngoại giao và chúng tôi hy vọng là chừng nào chúng tôi không phải đề nghị Bộ Ngoại giao đưa ra một dự luật mới mà chỉ đề nghị họ dùng chương trình hiện tại thì chúng tôi có nhiều hy vọng là đề nghị này sẽ được thông qua”.
Như vậy một cách gián tiếp đã trà lời rằng “đề nghị #2” bao gồm “toàn bộ TPB” của TNS Janet Nguyễn cùng ông Andrew Đỗ đã không nằm trong cuộc vận động hiện tại của 5 vị dân biểu liên bang HK, mà cần phải đệ trình một dự luật mới, nhưng theo dân biểu Alan Lowenthal thì điểu này rất khó thực hiện vì hiện nay tại quốc hội đang “có quá nhiều dự luật về nhập cư được đưa ra và có nhiều khả năng nó sẽ bị kẹt lại trong đó”. (xin xem toàn bộ cuộc phỏng vấn DB Alan Lowenthal đính kèm):   
Nước Mỹ đang ở trong năm tổng tuyển cử, hành pháp HK sẽ có một chính phủ mới, một vị tổng thống mới, một nội các mới. 99.9% là ông ngoại trưởng John Kerry sẽ trở thành “phó thường dân”, hy vọng trước khi “về vườn” ông sẽ làm một cử chỉ đẹp bằng cách chấp thuận đề nghị định cư TPB/VNCH để tri ân những người bạn đồng minh tàn phế bất hạnh mà ông đã lãng quên từ hơn 40 năm qua? Về phía lập pháp thì toàn bộ ghế dân biểu liên bang cũng sẽ được bầu chọn lại cùng với nhiều chức vụ thượng nghị sĩ, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain, Cộng Hòa, tiểu bang Arizona. Theo chỗ chúng tôi được biết thì lần này ông sẽ phải đương đầu với một đối thủ “nặng ký” thuộc nhóm “Tea Party”. Riêng bà TNS liên bang Barbara Boxer thuộc đảng Dân Chủ tại California, người đang cầm giữ nghị quyết SRJ5 do bà TNS tiểu bang Janet Nguyễn trao lại cũng đã quyết định về hưu sau 4 nhiệm kỳ, và sẽ không tranh cử nữa. Chiếc ghế bỏ trống của bà đang có nhiều người ngắm nghía, trong số đó có các bà Janet Napolitano, cựu bộ trưởng nội an và bà Hilda Solis, cựu bộ trưởng lao động, cả hai đều thuộc nội các của TT Obama. Nhưng có lẽ đáng chú ý hơn cả là nữ dân biểu liên bang Loretta Sanchez. Ngược lại vị trí bỏ ngỏ của bà Loretta Sanchez tại đơn vị 46th cũng sẽ không thiếu gì người “tranh dành”, ít nhất là hai người đã báo tin cho tôi biết, đó là ông Lou Correa, cựu TNS tiểu bang, và ông Bảo Nguyễn, đương kim thị trưởng Garden Grove.
Ở Hoa Kỳ, bất cứ một đề nghị lập pháp hay dự luật nào cũng đều phải có những cuộc vận động hành lang quốc hội hay hành pháp liên bang một cách tích cực và mạnh mẽ. Muốn như vậy thì chúng ta cần phải kết thân hay “làm bạn” với nhiều vị dân cử! Mà phương cách kết thân hoặc làm bạn hữu hiệu nhất là giúp họ vận động tranh cử, cam kết ủng hộ những ứng cử viên đó bằng lá phiếu cử tri của cá nhân, cộng đồng hay các tổ chức hội đoàn của mình, nhưng thực tế vẫn là “tiền”. Tài chánh đóng một vai trò không nhỏ trong sự thành công của nhiều vị dân cử tại HK.   
Xin đừng quên rằng hầu hết quý vị sĩ quan TPB hiện nay đều ở vào lứa tuổi từ 65-70 hoặc già hơn. Họ không còn nhiều thời gian để chờ đợi. Hậu quả cuộc chiến đã tàn phá thân thể họ kể cả niềm tin và hy vọng. Hơn thế nữa, phần lớn con cái đều đã trưởng thành và có gia đình. Vì thế dù có được phép định cư thì đa số chỉ có “hai ông bà già”, luật tỵ nạn không cho phép con cái trên 21 tuổi hay đã có gia đình được tháp tùng cha mẹ! (ngoại trừ quốc hội gia hạn tu chính án McCain)!  
 
Một lần nữa, đây chỉ là một bài phân tích, nhận định và tường trình dựa vào các dữ kiện đang xẩy ra để trả lời một số câu hỏi của quý vị khán thính giả nói chung cùng quý vị Thương Phế Binh VNCH hiện đang sống ở quê nhà nói riêng, những người rất quan tâm đến tiến trình “định cư TPB VNCH” tại Hoa Kỳ. Nếu có những ý kiến đóng góp xây dựng khác xin quý vị liên lạc với tác giả qua địa chỉ email: namlocnguyen@yahoo.com

Thursday, January 7, 2016

Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH chính thức phát động chương trình “1 Gia Đình 1 Thương Phế Binh”



Tâm Thư

Kính thưa qúy vị,

Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Qủa Phụ VNCH (HO/TPB/QP/VNCH) là một tổ chức hoàn toàn tự nguyện điều hành bởi các thiện nguyện viên làm việc không lương bổng từ gần 20 năm qua. Hội không nhận được sự hỗ trợ của bất cứ nguồn tài chánh nào ngoài tiền đóng góp thường xuyên của một số quý vị đồng hương hoặc qua các chương trình đại nhạc hội “Cám Ơn Anh” hàng năm để gây quỹ cứu trợ các TPB ở quê nhà. Tuy là một hội đoàn nhỏ, nhưng nhiều nơi cứ nghĩ rằng Hội HO/TPB/QP/VNCH là một “cơ quan trung ương” nên cứ gởi hồ sơ TPB về cho hội mỗi ngày một nhiều! Vì thế mặc dù ngân khoản thu được mỗi năm, một cao hơn, nhưng vẫn chỉ đủ tiền giúp đỡ khoảng 70% trong số 20 ngàn hồ sơ TPB và QPTS mà Hội hiện đang lưu giữ. Do đó, để tạo thêm cơ hội và phương tiện hầu giúp cho quý vị ân nhân có thể đóng góp một cách dễ dàng và tích cực hơn, kể từ ngày 1 tháng Giêng, 2016, Hội HO/TPB/QP/VNCH chính thức phát động chiến dịch có tên là “1 Gia Đình 1 Thương Phế Binh”. Chương trình này sẽ được phổ biến rộng rãi trên Website: “1giadinh1thuongphebinh.orgđể mọi người Việt có lòng ở trên thế giới đều có thể tham gia được theo các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây: 

1. Xin quý vị hảo tâm cho biết muốn bảo trợ bao nhiêu TPB mỗi năm? Chúng tôi đề nghị mỗi cá nhân hoặc một gia đình ở hải ngoại chỉ nên bảo trợ từ 1 cho đến 5 hồ sơ TPB/VNCH mà thôi, và tiêu chuẩn giúp đỡ được chia ra như sau:

2. A: Bảo trợ cho một (1) Thương Phế Binh nặng: US$240.00 mỗi năm.(Nặng: Cụt 2 tay, cụt 2 chân, mù hai mắt, cụt 1 tay + cụt 1 chân, hoặc bị liệt)
    B: Bảo trợ cho một (1) Thương Phế Binh nhẹ: US$120.00 mỗi năm. (Nhẹ: Cụt 1 tay, cụt 1 chân, mù một mắt, hoặc bị nội thương)

3. Khi ghi danh bảo trợ, xin quý ân nhân cho Hội HO/TPB/QP/VNCH biết:
A: Quý danh cùng địa chỉ nhận thư (để Hội gởi copy hồ sơ TPB đến ân nhân).
B: Số điện thoại (cả phone tay cũng như điện thọai nhà nếu có).
C: Địa chỉ email (nếu có).

4. Sau khi nhận được các tin tức trên thì Hội chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ chi tiết cùng lý lịch của người TPB theo ý muốn của quý vị (ở địa phương nào cũng được) đến địa chỉ ân nhân qua đường bưu điện để quý vị GỞI TIỀN TRỰC TIẾP về thẳng Việt Nam cho người thương binh đó. Hoặc nếu có cơ hội về thăm quê hương quý vị ân nhân đến thăm hỏi và trực tiếp trao tiền thì còn quý giá, an ủi và ý nghĩa biết bao.

4. Mỗi lần gởi tiền giúp đỡ TPB, xin thông báo cho Hội biết để ghi lại lưu vào sổ.

5. Đúng một năm, kể từ khi hồ sơ được gởi ra, chúng tôi sẽ theo dõi và xin phép được nhắc nhở để biết quý ân nhân còn tiếp tục bảo trợ nữa hay không?

6. Thời gian bảo trợ dài hạn: Ít nhất là ba (3) năm trở lên. Tuy nhiên, nếu vì bất cứ lý do gì mà ân nhân không còn bảo trợ nữa, xin cho Hội biết càng sớm càng tốt để chúng tôi mở lại hồ sơ và tiếp tục giúp đỡ người TPB đó kẻo họ chờ mong tội nghiệp!

Kính thưa quý vị, các anh em TPB/VNCH đã hy sinh xương máu và một phần thân thể để bảo vệ miền Nam và cho chúng ta được sống bình an để có ngày hôm nay. Đã hơn 40 năm qua, họ phải sống cơ cực, thiếu thốn, vất vưởng ở quê nhà không được ai giúp đỡ, càng ngày càng già yếu, bệnh hoạn, chết dần, chết mòn. Chúng ta hãy giang tay cứu trợ và an ủi để anh em TPB/VNCH được hãnh diện vì biết rằng đồng hương hải ngoại vẫn luôn nhớ đến và lo lắng cho họ. Rất mong quý vị đồng hương hưởng ứng, đồng thời tiếp tay kêu gọi thân nhân, bằng hữu cùng giải thích cho con em, giới trẻ hỗ trợ Hội trong việc làm mang nhiều ý nghĩa nói trên.

Vậy kể từ ngày ra thông báo này, kính xin quý vị ân nhân có nhã ý hưởng ứng chương trình “1 Gia Đình 1 Thương Phế Binh” hoặc muốn bảo trợ hay biết thêm chi tiết, xin liên lạc ngay với nhóm điều hành chương trình qua:
@ hoặc vào thăm Website: “1giadinh1thuongphebinh.org”.

Trân trọng cảm ơn toàn thể quý vị,
Nguyễn Thị Hạnh Nhơn
Hội Trưởng
Hội HO Cứu Trợ TPB&QP VNCH
Nam Lộc Nguyễn
Cố Vấn Tổng Quát
Hội HO Cứu Trợ TPB&QP VNCH